Thẳng thắn tình – tiền trước khi chính thức “chung đôi”?

Cùng với màu hồng lấp lánh trong những câu chuyện tình cảm, chúng ta vẫn không thể thiếu những mảnh ghép màu bạc trong khía cạnh tài chính và cuộc sống hôn nhân. Giới trẻ gen Z ngày nay nhận thức rõ ràng hơn về “sức khỏe tài chính” và các ảnh hưởng của nó đến đời sống tình cảm.

Thế nhưng, đôi khi việc bắt đầu từ đâu và nên nói những gì lại khiến  phải đau đầu suy nghĩ. Trong bài viết này, Money with Mina mời bạn tham khảo một vài “check – list” sau để thảo luận cùng người thương trước khi chính thức “chung đôi” nhé!

Thẳng thắn về vấn đề tài chính riêng và gia đình riêng

Các bạn đã có một khoảng thời gian từ hẹn hò, tìm hiểu, yêu nhau trước khi tiến đến cam kết hôn nhân. Khi quen nhau, các bạn hiểu về đối phương và cuộc sống xoay quanh họ. Để ý hơn một chút, bạn sẽ dễ nhận ra những “gạch đầu dòng” liên quan đến quan điểm và thói quen tài chính của bạn đời. Bạn đã thử nghĩ đến những điểm sau:

  • Công việc của họ là gì? Mức thu nhập sẽ luôn ổn định hay biến động theo từng thời điểm?
  • Mỗi tháng người ấy chi tiêu khoảng bao nhiêu tiền? Họ có biết về quỹ dự phòng hay không?
  • Thói quen và sở thích chi tiêu của họ như thế nào? Ví dụ cô gái rất mê thời trang hàng hiệu còn chàng trai thì luôn săn đón những sản phẩm công nghệ hiện đại mỗi khi chúng ra mắt.
  • Quan điểm của họ về tiền bạc ra sao? Họ nghĩ gì về bảo hiểm và tiết kiệm sớm?
  • Lối sống của họ có đang chi tiêu quá mức kiểm soát? Họ đang mắc một khoản nợ nào đó? Hay họ đang gánh nặng nợ nần của gia đình?
  • Dự định tương lai của họ là gì? Ví dụ như mua nhà, đầu tư, sẽ chuyển đi đâu sống, kinh doanh riêng, FIRE, nghỉ hưu sớm năm bao nhiêu tuổi?
  • Họ có sẵn sàng giúp đỡ/hỗ trợ cùng bạn trong vấn đề tài chính hay không?

 

Tiếp đến, đừng quên nói về hoàn cảnh gia đình và việc hỗ trợ từ bạn. Gia đình bạn có bao nhiêu thành viên, bạn có phải chăm lo cha mẹ già hay các em nhỏ còn đi học hay không? Hay đơn giản hơn, bạn đã lớn lên trong một tổ ấm thế nào? 

Các bạn càng cởi mở và thẳng thắn với nhau bao nhiêu thì càng hiểu được đối phương và tình hình tài chính của họ bấy nhiêu. Money with Mina rất hiểu các câu hỏi trên không thể hỏi một sớm một chiều mà là cả hành trình cả hai cần từng bước nhỏ chia sẻ với nhau. Không ít người đã “ngã ngửa” bất thình lình khi biết được những vấn đề tài chính của người mình sắp cưới và sau đó đi đến quyết định khó khăn hơn trong việc cam kết và thay đổi.

Thẳng thắn về những mục tiêu tài chính

Các bạn biết nhau khi còn là những người lạ, đều có những điểm khác nhau dù có nhiều nét tương đồng. Hai mảnh ghép đầy những chỗ không đều, chúng ta cố gắng để yêu thương và hòa hợp lẫn nhau. Và nếu, mục tiêu tài chính của bạn và người ấy có chút khác biệt, không sao, hãy nói chuyện cùng nhau!

Ban đầu, bạn sẽ có một chút ngại ngùng vì không biết anh/cô ấy sẽ phản ứng ra sao. Thậm chí, không ít người né tránh khi nói chuyện về tiền bạc và các mục tiêu tài chính. Những thể hiện đầu tiên này cũng nói lên phần nào tính cách của đối phương, thông qua câu chuyện về tài chính.

Sẽ ra sao nếu như bạn ưa thích việc sở hữu và sống trong một căn nhà trên núi trong khi cô gái bạn sẽ chọn một căn hộ nơi trung tâm thành phố? Hay đơn giản hơn, một trong hai muốn được đi du lịch 2 lần/tháng trong khi người còn lại đang muốn tập trung tài chính cho việc đầu tư?

Bạn tham khảo Podcast Love Podcast #01: Ngại nói chuyện tiền với chồng

Thế nhưng, hãy nhớ “mất lòng trước, được lòng sau”. Khi các bạn thẳng thắn trò chuyện về các mục tiêu tài chính trước hôn nhân đồng nghĩa mỗi người được lắng nghe từ người bạn đời nhiều hơn, hiểu họ hơn và cho cả hai thời gian chấp nhận, suy ngẫm và thay đổi (nếu có). Nếu bạn không bắt đầu việc này, nó cũng “mở lối” cho nhiều việc “mất lòng sau” trong quan hệ và tương lai của cả hai. 

Nguồn: Internet

Thẳng thắn về việc ai sẽ giữ tiền?

Không ít người đã kết hôn phì cười khi nghe những “tấm chiếu mới trải” hỏi về việc:

“Sau này mỗi khi em có lương, em phải đưa tất cả cho vợ em giữ đúng không ạ? Em hoang mang quá!”

Nhắc nhở nhé, nếu hai bạn không ngồi xuống và xác nhận chuyện ai là tay hòm chìa khóa thì sẽ hoang mang như trên đó. Nếu thực sự hai bạn cảm thấy tin tưởng cho việc người vợ/chồng sẽ giữ tiền và phân công trong việc chi tiêu thì hãy cứ làm. Tuy nhiên, hai bạn cũng cần xem xét định kỳ mỗi tháng về việc người ấy có thực sự là tay hòm chìa khóa thực sự hiệu quả và chắc chắn hay không.

Bên cạnh đó, không ít cặp đôi lựa chọn phân chia rạch ròi “Tiền anh – Tiền em – Tiền của chúng ta”. Điều này ngầm hiểu mỗi người vẫn sẽ có những khoản tiền riêng phục vụ cho việc chi tiêu cá nhân hằng ngày, tạo sự thoải mái và tiện lợi khi cần. Nhưng đồng thời, cả hai đều sẽ đóng góp và xây dựng cho quỹ chung dùng cho việc mua sắm chung, tiền đầu tư mua nhà cửa, quỹ giáo dục cho con cái, quỹ dự phòng,…

Bạn tham khảo Podcast Love Podcast #03: Tài khoản anh, tài khoản em (và niềm tin khi nào mới xây dựng được)?

Đây là nền tảng rất quan trọng trong việc lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cho gia đình nhỏ sau này, vì thế, hãy thảo luận thật kỹ về từng phương án và nếu được, hãy thử từng vai trò cho từng người nhé!

Nguồn: Internet

Thẳng thắn về chuyện bao lâu sẽ có con?

Chuyện con cái là điều rất cần thiết để bàn luận trước khi kết hôn. Bên cạnh hỏi về ước muốn của cả hai về việc có muốn sinh con không, nếu có thì muốn bao nhiêu con,…thì không thể thiếu việc bàn về chi phí nuôi con và giáo dục con lớn. 

Từ đó, hai bạn sẽ cùng bàn “chiến thuật” cho quỹ “Em bé”, bạn không nghe nhầm đâu, thật ra cả hai cần xác định và lên kế hoạch cho quỹ này trước khi kết hôn. Kế hoạch nên đứng “độc lập” và tách bạch khỏi các kế hoạch khác như mua nhà, định cư, đầu tư, tự do tài chính,…Đừng quên tham khảo bảo hiểm sinh sản tại nơi làm việc và cân nhắc mua thêm gói bên ngoài.

Bạn có thể hỏi han về bố mẹ mình về “hành trình lớn khôn” của bản thân, hỏi chuyện những người bạn đã có con và tham khảo các thông tin cần thiết về chuyện nuôi con. Khi đã xác định muốn có con, kế hoạch càng kỹ lưỡng, càng chuẩn bị công phu thì tài chính chung của gia đình sẽ ít biến động và tâm lý hai vợ chồng được giảm bớt áp lực hơn. 

Tổng kết:

Kết hôn là khi bạn mở ra một thế giới mới, bên cạnh người đồng hành cùng đón nhận những niềm vui lẫn vượt qua những thách thức trong cuộc sống. Việc thẳng thắn về vấn đề tài chính của cả hai sẽ giúp cặp đôi củng cố thêm niềm tin tưởng, sự chân thật và gắn bó cùng nhau.