Trong quan niệm nhiều người xưa nay, khi nghe đến hai chữ “giàu có” sẽ nghĩ đến việc no ấm, đủ đầy, không còn lo lắng đến tiền bạc nữa. Những năm gần đây, nhiều người trẻ lại muốn đạt được “Độc lập tài chính” hay “Tự do tài chính” nhiều hơn so với việc mong muốn “Tôi muốn giàu có”.
Vậy liệu độc lập tài chính rồi thì có đồng nghĩa với việc chúng ta giàu có, có của ăn của để như thế hệ trước không? Hãy đọc qua bài viết sau của Money with Mina nhé!
Độc lập tài chính hay Tự do tài chính – hiểu sao cho đúng?
Độc lập tài chính – rất có thể bạn đã làm được – đó là việc bạn có đủ khả năng để tự thân chi trả cho các nhu cầu sống hàng ngày mà không bị lệ thuộc vào ai hoặc một công việc nào đó để có thu nhập. Bạn có thể ăn ngon, mặc đẹp theo ý thích, đi du lịch hàng năm nhưng tất cả trong khuôn khổ khả năng tài chính bạn tự thân được, mà chưa hoàn toàn tự do.
Sau khi đã đạt được trạng thái “Độc lập tài chính”, bạn sẽ sẵn sàng nâng cấp (level – up) đến “Tự do tài chính”. Lúc này, bạn không chỉ đủ tiền cho nhu cầu sống, sở thích mà có thể tự do làm mọi điều mình muốn, không bị ràng buộc bởi bất cứ yếu tố nào. Bạn không chỉ linh hoạt trong cách chi tiêu tiền bạc mà còn trong việc lựa chọn điều gì mình muốn làm. Ví dụ như bạn sẵn sàng không làm việc văn phòng sớm đi chiều về hay kinh doanh mạo hiểm nữa mà muốn ứng tuyển đơn làm tình nguyện viên đến Châu Phi giúp trẻ em nghèo khó? Tự do tài chính có thể định nghĩa rộng hơn khả năng đi du lịch, hay khởi nghiệp. Đó là khi bạn có khả năng tài chính để sống cuộc sống bạn muốn theo cách của riêng bạn.
Độc lập tài chính hay Giàu có – cái nào dễ hơn?
Bàn về sự giàu có, người xưa chỉ nghĩ đến việc có nhiều tiền bạc, của cải, tài sản,…tuy nhiên theo dòng chảy thời gian và sự thay đổi trong tư duy, sự giàu có đã có thêm nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho rằng dù “giàu có” nhưng họ vẫn có thể phụ thuộc vào thu nhập từ công việc hoặc các nguồn tài chính khác để duy trì lối sống xa hoa và quyền lực của họ. Một số khác cho rằng sự giàu có đến từ sự khỏe mạnh, phước đức mà họ đang nhận được và họ trân trọng điều đó. Vì thế, “giàu” hay không còn tùy hệ quy chiếu và hoàn cảnh của từng người.
Với tình hình kinh tế chung và tỷ lệ lạm phát hiện nay, nếu bạn mong muốn “giàu có” được hiểu theo nghĩa có thật nhiều “núi vàng, núi bạc” hay sở hữu thật nhiều “nhà lầu xe hơi” thì thú thật, giấc mơ này khá hiếm “thành công”. Thế nhưng, nếu bạn có đủ kiến thức và tư duy đúng đắn về quản lý tài chính cá nhân, bạn hoàn toàn có thể đạt được trạng thái “độc lập tài chính” và “tự do tài chính”. Đủ để bạn có thể tự cung cấp cho lối sống mình muốn (mà không phải cân đo đong đếm bằng “núi vàng núi bạc” và đặc biệt dành thời gian theo đuổi đam mê của mình.
Đạt được độc lập tài chính có nghĩa bạn giàu có ư?
Tương tự, khi bạn đã đạt được “độc lập tài chính” không có nghĩa bạn có thể tiêu tiền một cách phung phí hay sở hữu cả núi tiền. Bạn cũng cần phải có quỹ dự phòng cho những tình huống xấu và bảo hiểm nhân thọ để hỗ trợ khi sức khỏe gặp vấn đề và tránh thất thoát tài chính để quỹ bạn không cạn kiệt.
Thậm chí, cách bạn chọn làm gì tiếp theo khi đã đạt “độc lập tài chính” và tự do tài chính cũng rất quan trọng. Có thể trước khi nghỉ hưu, bạn mơ ước cuộc sống “ăn hàng ở không” – không phải làm gì và chỉ hưởng thụ. Điều này hoàn toàn không có gì sai, thế nhưng, chơi hoài rồi bạn sẽ chán mà thôi. Hãy thử lên kế hoạch về những việc mà bạn chưa có cơ hội thử trước kia như đi tình nguyện, đi du lịch vòng quanh thế giới và khám phá những miền đất lạ, xây dựng cộng đồng, phát triển ý tưởng kinh doanh bạn đã ấp ủ rất lâu,…
Một điều nữa, đó là giàu có vì có nhiều tiền và tài sản chưa chắc đã độc lập tài chính (vẫn phụ thuộc) và người giàu vẫn có thể bất an nếu họ chưa có những kế hoạch tài chính vững, vay đòn bẩy quá nhiều để gom nhiều tài sản (còn nợ thì không thể nào gọi mình độc lập tài chính), hoặc quen tay tiêu tiền vô tội vạ hay sai lầm trong các quyết định tài chính lớn như đầu tư bất động sản, kinh doanh lỗ vốn,… Câu nói “nhà giàu cũng khóc” đã nói lên phần nào ý nghĩa đó.
Tổng kết:
Dù đích đến của bạn là gì, hãy nhớ cân bằng tài chính – sức khỏe – sự nghiệp – cuộc sống cá nhân và tránh căng thẳng vì những điều không đáng. Muốn được như vậy, Money with Mina khuyến khích bạn nên bắt đầu tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân sớm, chuẩn bị cho những mục tiêu quan trọng và đừng quên chăm sóc bản thân nhé!