Đầu tư khác với đầu cơ ở chỗ: một nhà đầu cơ có xu hướng mua và tích lũy sản phẩm khi thị trường xuống, sau đó bán ra khi thị trường đổi chiều để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá trong thời gian ngắn; trong khi đó, nhà đầu tư cần dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích về đối tượng đầu tư hơn; họ đồng thời đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng lâu bền của những kênh mình bỏ tiền vào.
Nếu bạn là người đầu tư, thì việc xác định loại hình đầu tư phù hợp là rất quan trọng.
Để làm được điều này, bạn cần lưu ý đến 4 yếu tố: khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn, tính thanh khoản và khả năng sinh lợi.
Sau đây là một số kênh đầu tư phổ biến, dễ tiếp cận với số đông mà bạn có thể tham khảo.
Trái phiếu
- Mức độ rủi ro: thấp
- Nguồn vốn: từ 1 triệu đồng
- Tính khanh khoản: thấp
- Lãi suất: 3-10% tùy thời điểm
Trái phiếu là một trong các loại hình đầu tư chứng khoán phổ biến nhất hiện nay, gồm trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp, và trái phiếu ngân hàng phát hành.
Về cơ bản, mua trái phiếu nghĩa là bạn trở thành “chủ nợ” của một doanh nghiệp. Bạn cho công ty vay một khoản tiền (vốn đầu tư của bạn) và nhận lãi cố định.
Vì bạn là người cho vay, nên trong trường hợp công ty phá sản, bạn sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Đây là một trong những yếu tố ít rủi ro của trái phiếu.
Trước khi quyết định mua bất kỳ trái phiếu nào, bạn cần xem xét mục tiêu tổng thể của mình. Các kỳ trung và dài hạn có lợi thế là lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trái phiếu có thời gian đáo hạn 1-5 năm lại có tính ổn định hơn.
Cổ phiếu
- Mức độ rủi ro: cao
- Nguồn vốn: từ 1 triệu đồng (hoặc theo quy định tối thiểu 100 cổ phiếu/lô)
- Tính khanh khoản: cao
- Lãi suất: cao
Nếu bạn được xem là “chủ nợ” của một công ty khi mua trái phiếu, thì với cổ phiếu, bạn trở thành cổ đông, tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc mua cổ phiếu từ công ty nào hoàn toàn là lựa chọn cá nhân. Do đó, mức độ rủi ro khi đầu tư cổ phiếu phụ thuộc lớn vào khả năng nắm bắt thị trường của bạn.
Có nhiều kiến thức mà một nhà đầu tư cổ phiếu chuyên nghiệp cần quan tâm. Với người mới, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về giá cổ phiếu, tập phân tích một vài chiến thuật đơn giản, chọn ngành, chọn thời điểm mua vào, bán ra.
Bên cạnh đó, bạn nên biết về cổ tức và đọc bảng điện để nắm thông tin quan trọng. Trước khi thực chiến, bạn có thể tạo tài khoản demo để giao dịch với tiền ảo trước và đo lường khả năng của mình.
Một lưu ý khác là bạn cần quyết định mình muốn dùng chiến thuật mua một lần với số tiền nhàn rỗi, hay chiến thuật bình quân giá (dollar-cost average).
Với cách thứ hai, bạn mua góp định kỳ từng tháng dù thị trường giá lên hay xuống, do đó khó áp dụng với thời gian ngắn và chỉ hiệu quả khi đầu tư ít nhất từ 3 đến 5 năm.
Quỹ mở, ETF hoặc Fintech
- Mức độ rủi ro: trung bình
- Nguồn vốn: từ 1 triệu đồng đối với quỹ mở, và 50.000 đồng với Fintech
- Tính khanh khoản: cao
- Lãi suất: tùy vào danh mục bạn lựa chọn, lãi có thể lên đến 10-15% hoặc hơn (ETF những năm gần đây)
Đầu tư vào quỹ còn được gọi là chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”. Thay vì trực tiếp tham gia thị trường chứng khoán, bạn có thể góp tiền cho các quỹ đầu tư uy tín và để những chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp khoản đầu tư có kết quả (lời hoặc lỗ).
Tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro của mình, bạn có thể lựa chọn phân bổ vốn theo các tỷ lệ khác nhau giữa: trái phiếu, cổ phiếu, tiết kiệm, ngân hàng, bất động sản và các ngành nghề khác nhau.
Mỗi danh mục có mức lợi nhuận kỳ vọng nhận được không giống nhau. Các quỹ mở không cam kết lợi suất bởi giá trị danh mục đầu tư biến động từng ngày.
Để đầu tư tín chỉ quỹ mở an toàn, bạn cần tham khảo, phân tích các chi phí, chiến lược và hiệu quả đầu tư của từng quỹ trước khi gửi tiền.
Bên cạnh phương thức chủ động của quỹ mở, ETF (Exchange Traded Fund) là một hình thức quỹ đầu tư thụ động, mô phỏng theo chỉ số nhất định trên thị trường. Đây là rổ index có thể bao gồm nhiều cổ phiếu hàng đầu. Bạn sở hữu mỗi phần một ít khi mua một ETF.
ETF có thể giao dịch giống như một cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán (thị trường thứ cấp), hoặc thị trường sơ cấp với quỹ đầu tư.
Ngoài ra, bạn có thể đầu tư vào các quỹ thông qua Fintech. Lợi thế của Fintech là sự nhanh chóng, thân thiện với người dùng và ít chi phí hơn việc đầu tư trực tiếp vào quỹ. Dù vậy, họ cũng không cam kết mức lãi suất nào khi đầu tư.
Ứng dụng công nghệ trong bất động sản (Proptech)
- Mức độ rủi ro: từ trung bình đến cao
- Nguồn vốn: từ vài triệu đồng
- Tính thanh khoản: trung bình
- Lãi suất: dao động tùy vào quỹ bạn lựa chọn
Tại Việt Nam, Proptech hiện là xu hướng đầu tư phát triển với nhiều kênh khá sáng tạo. Bạn có thể thấy qua những loại hình như thuê để mua, góp vốn chung qua các sàn online hoặc sử dụng công nghệ blockchain.
Hiểu đơn giản, bạn cần một số vốn rất lớn để đầu tư vào bất động sản, nhưng với Proptech thì không cần. Đây là hình thức “chẻ nhỏ” tài sản bất động sản và bán cho nhiều nhà đầu tư với vốn ít.
Ưu điểm của Proptech là bạn không cần vốn lớn để bắt đầu, nhưng nhược điểm là bạn không trực tiếp sở hữu sổ đỏ, sổ hồng mà ủy thác cho nền tảng cùng những nhà đầu tư khác.
Bất động sản
- Mức độ rủi ro: từ trung bình đến cao
- Nguồn vốn: lớn
- Tính khanh khoản: thấp
- Lãi suất: cao
Bất động sản là kênh đầu tư phù hợp với người có mục tiêu tạo thu nhập thụ động, và tăng giá nhà (capital appreciation) khi thị trường nóng lên.
Bên cạnh việc mua đi, bán lại để sinh lời, bạn nên biết cách xây dựng giá trị để hiệu quả đầu tư được dài hạn và đẩy tính cạnh tranh của bất động sản của mình.
Giả sử, bạn có thể tận dụng mảnh đất mình sở hữu cho một số loại hình kinh doanh như trồng rau, cho thuê, kinh doanh dịch vụ,… Khi bán mảnh đất, bạn bán kèm theo những cơ hội sinh lời cho chủ đầu tư mới, từ đó giá bán tốt hơn và cho bạn thêm lợi nhuận.
Mọi kênh đầu tư đều tiềm ẩn rủi ro. Bạn có thể dàn trải rủi ro bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhưng, tùy vào mức độ kinh nghiệm, độ tuổi và kế hoạch tài chính, bạn nên đo lường thời gian và nguồn lực mình có cho việc quản lý các kênh.
*Các nội dung trong bài không phải khuyến nghị đầu tư.
Đồ họa: Bảo Châu