CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA NẾU BẠN “LẪN LỘN” GIỮA QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ KINH DOANH

Các chủ doanh nghiệp chắc hẳn sẽ phải rất đau đầu về trong việc quản lý tài chính kinh doanh, nhất là trong giai đoạn khởi đầu. Cực chẳng đã, quản lý 1 ví tiền đã rắc rối, thêm một ví nữa hẳn là khó nhằn.

Những áp lực trong công việc kinh doanh và thu chi cá nhân đã không ít lần khiến các chủ quán phải bối rối trong mê cung chữ số và các bảng ngân sách. Chính điều này đã phần nào vô tình khiến bạn rơi vào cảnh bế tắc khi “lẫn lộn” giữa quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp. 

Càng khó nói hơn, rất nhiều người băn khoăn “Liệu có nên lấy lương từ chính công ty của mình như bao công nhân viên khác?” Điều gì xảy ra nếu bạn vẫn chưa thể phân định rạch ròi giữa tài chính cá nhân và dành cho kinh doanh? Dòng tiền sẽ “trồi lên sụt xuống” thế nào? 

Ngồi xuống nhâm nhi tách trà với Money with Mina trong bài viết này nhé!

Xác định rõ mục đích tiêu dùng cho cả hai ví tiền

Điều tiên quyết đó là Money with Mina luôn mong bạn hãy thật rõ ràng trong việc phân định bằng “mắt thường”. Hay có thể nói là lập riêng 2 tài khoản tương ứng với 2 ví tiền, 2 dòng tiền và 2 mục tiêu hoàn toàn độc lập.

Việc này giúp bạn tiện lợi trong việc đối soát khi dòng tiền chuyển đổi, tránh “chuyển nhầm” tiền từ ví này sang ví kia. Hơn hết, sử dụng một tài khoản thu – chi kiêm thanh toán cho doanh nghiệp sẽ giúp đối tác cảm nhận được sự minh bạch, tận tâm và chuyên nghiệp của công ty bạn.

Ví tài chính cá nhân dành cho các chi phí dùng cho bạn, gia đình và đầu tư riêng. Nhiệm vụ của ví này là dành trọn cho các mục tiêu cho cá nhân bạn. Bạn có thể dễ dàng lấy tiền riêng mình để thực hiện các sở thích mua sắm, du lịch,… 

Ví tài chính kinh doanh dùng các chi phí cho doanh nghiệp của bạn. Đó có thể là các chi phí một lần (giấy phép, bảng hiệu, mua sắm bàn ghế,…), phí thường xuyên (tiền lương nhân viên, tiền điện nước, mặt bằng,…). Bạn không thể lấy tiền từ ví kinh doanh để ăn chơi xả láng, dùng cho sinh hoạt riêng được bởi lẽ nó không dành cho một mình bạn. Chưa kể, đó là nguồn vốn và thu nhập chung của các Co – founder, nhà đầu tư,… đã góp chung.

Lẫn thu nhập – nhầm tính toán

Nghe thôi đã thấy rắc rối đúng không nào? Nếu để gộp chung 2 ví làm một và chủ quan “thu nhập 100% từ kinh doanh, sao phải sợ” thì bạn có chắc chắn mình sẽ không “lỡ tay” chi tiêu số tiền đó chứ?

Việc nhầm lẫn hai nguồn thu nhập, phục vụ cho những mục đích khác nhau sẽ dẫn đến việc chi tiêu sai chỗ, dòng tiền mất kiểm soát. Bởi như đã nói, đôi khi tiền kinh doanh không phải chỉ của riêng bạn, không phải dùng để bạn sinh hoạt, mua sắm đơn thuần cho riêng mình. Đó là số tiền bạn cần tính toán để duy trì cửa hàng, quán xá, lo tiền lương cho nhân viên,… Mỗi tháng, bạn cần xem và đọc được bảng tài chính để biết số dư LỜI LÃI hay “THUA LỖ” để “cầm cân nảy mực” cho các giai đoạn kinh doanh khác nhau.

Chưa kể, đó là việc đụng đến “Thuế”. Thuế thu nhập cá nhân của bạn sẽ hoàn toàn khác thuế kinh doanh. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị “phạt nặng” thậm chí là “phạt vạ” vì không công khai và “trốn thuế”.

Cùng với đó là câu hỏi “Liệu chính chủ doanh nghiệp có nhận được lương từ chính doanh nghiệp mình phát triển hay không?” Điều này sẽ tùy thuộc vào việc bạn có muốn hay không và mức độ lợi nhuận của công ty, tuy nhiên nếu được hãy trả công cho chính mình một cách xứng đáng. Như vậy, không chỉ là một cách công nhận công sức bản thân đã bỏ ra mà còn giúp nguồn thu nhập cá nhân thêm dồi dào, tránh được việc túng quẫn sử dụng tiền chung khi kinh doanh.

Dấu chấm hỏi lớn từ các đối tác và nhà đầu tư

Nếu bạn có ý định muốn mời gọi hợp tác, kêu gọi vốn, mở rộng kinh doanh,… thì việc nhầm lẫn giữa hai ví cá nhân và doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc các nhà đầu tư băn khoăn “Tôi đang đang đầu tư cho công ty/sản phẩm/dự án hay đổ tiền phục vụ cho cá nhân nào?”

Đối tác sẽ lo sợ việc “cất tiền bỏ túi riêng” dẫn đến việc không đủ sự tin tưởng để quyết định đầu tư. Tỷ lệ nhận lại lời hồi đáp “NO” có khả năng vô cùng cao. Không những vậy, nó còn khiến doanh nghiệp của bạn bị “trừ điểm” và nhận đánh giá 1 sao từ các “Cá Mập” bởi tính thiếu chuyên nghiệp, không minh bạch và thiếu tin tưởng. 

Trong trường hợp, bạn kêu gọi vốn từ người thân, bạn bè thì càng dễ rơi vào tầm ngắm nghi ngờ. Điều này vốn dễ hiểu và hợp lý, bởi ai cũng muốn tiền mình sẽ rơi đúng chỗ, đúng nơi và đem lại lợi nhuận hiệu quả dài lâu.

“Giậu đổ bìm leo” – Đắng cay “mất cả chì lẫn chài”

Câu chuyện bị siết nợ và tịch thu tài sản vì liên quan kinh doanh thua lỗ đã không còn xa lạ tại Việt Nam. Rất nhiều chủ doanh nghiệp đã “mạnh miệng” đứng tên mình, cầm cố tài sản có giá trị như bất động sản, nhà ở,… để vay ngân hàng cho việc tiếp ứng vốn cho doanh nghiệp.

Dẫu biết, tâm lý người làm kinh doanh luôn máu lửa, nhiệt huyết và chịu đựng những áp lực nặng nề từ nhiều phía. Không ít người đã cho rằng “Nợ” chính là động lực để họ không ngừng phấn đấu, nỗ lực cho bản thân và công ty.

Thế nhưng, hãy mạo hiểm một cách cẩn thận bởi vì những quyết định bạn đưa ra không chỉ ảnh hưởng đến riêng bạn, mà là cả người thân bạn, những người phụ thuộc kinh tế ở bạn, công nhân viên và gia đình họ, cộng sự, đối tác và các nhà đầu tư,…

Bạn và những người thân yêu sẽ ở đâu nếu căn nhà đang sinh sống bị ngân hàng tịch thu?

Thu nhập bạn sẽ ảnh hưởng nếu mất đi phần bất động sản đã tín chấp?

Bạn sẽ mất gì và được gì nếu công ty thua lỗ, nợ nần và ví cá nhân đã rỗng sạch?

Nếu đi vay tín chấp, cần xác định rõ và tránh để tài sản cá nhân là vật tín chấp vay nợ:

  • Ai vay, vay cho ai?
  • Ai là người đứng tên? Người này nắm giữ chức vụ và chịu trách nhiệm như thế nào?
  • Nếu tín chấp tài sản, số tài sản là bao nhiêu, ai là người đứng tên sở hữu pháp luật?
  • Nếu rơi vào thua lỗ, tài sản cá nhân có bị ảnh hưởng (tịch thu, niêm phong,…) hay không?

Dù kết quả ra sao, Money with Mina vẫn luôn mong bạn đưa ra những quyết định sáng suốt, an toàn cho cả chính ngân khố của mình và cho công ty. Hãy cẩn thận và cân nhắc trong từng hành động để không nhận lại những hậu quả khó lường.

Tổng kết:

Không thể phủ nhận rằng nguồn lực tài chính vững vàng từ cá nhân có thể hỗ trợ rất tốt cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, chủ quán vẫn cần có sự phân biệt rạch ròi giữa tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp khi quản lý vận hành công ty. Nếu không tách bạch được hai khoản này, người làm chủ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lợi nhuận thực tế, xây dựng niềm tin và bảo vệ dòng tiền.