Với nhiều bạn trẻ, trả góp là cách vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu xài, vừa hạn chế rơi vào cảnh rỗng ví. Dưới góc nhìn của những người trẻ này, mua “dứt điểm” là hành động phung phí, đánh mất khoản chi dự phòng cho lúc cấp bách.
Đương nhiên, góc nhìn này không đại diện cho tất cả.
Bên cạnh đó cũng có nhiều người coi trả góp như một hình thức mua sắm tiện lợi, là giải pháp lý tưởng cho những trường hợp khẩn cấp. Dù thế nào chúng ta cũng cần khẳng định, loại hình mua trả góp dần trở nên quen thuộc trong xã hội hiện đại, nhất là với những người trẻ.
Thế nhưng, liệu chúng ta nên sử dụng phương án trả góp như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
Bởi không phải vật dụng, dịch vụ nào cũng nên mua trả góp, cũng như không phải mọi người đều có khả năng áp dụng hình thức chi tiêu này một cách an toàn. Những hình thức mua trước trả sau, nếu không quản lý kỹ, có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả hoặc nợ ngập đầu mà bạn không biết trước.
Dưới đây là những lời khuyên của chị Mina Chung – sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam về vấn đề này!
Khi nào nên mua trả góp
Đúng như tên gọi, trả góp là kiểu tiêu xài cho phép bạn tận hưởng sản phẩm, dịch vụ trước và trả tiền sau. Hiểu một cách “học thuật” hơn, áp dụng trả góp đồng nghĩa với việc bạn đang gánh một khoản nợ trong 3, 6 tháng hoặc tính theo năm.
Trước khi quyết định sử dụng tiền, bạn nên phân loại các khoản chi theo mục đích. Dưới góc nhìn của chị Mina Chung, mọi loại chi tiêu đều quy về 2 kiểu:
- Chi phí cần: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống. Ví dụ: tiền điện, nước, xăng, xe, các loại phí liên quan nhà ở…
- Chi phí muốn: Những thứ phục vụ xu hướng giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích của từng cá nhân. Chẳng hạn: xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch…
Đây là cơ sở quan trọng, giúp mỗi người có quyết định đúng đắn trong quản lý túi tiền. Bạn chỉ nên mua trả góp nếu đối tượng cần chi trả thuộc nhóm 1, cụ thể là cho các nhu cầu không thể thiếu cho cuộc sống.
Nếu không xác định rạch ròi 2 nội dung trên, cá nhân dễ chìm trong vòng lặp vay nợ, tiêu pha những món nằm ngoài danh mục thiết yếu. Chẳng hạn, họ sa vào sắm sửa túi hiệu, xe cộ đời mới, đắt đỏ, trong khi đã sở hữu sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường.
Tất nhiên, các nội dung thuộc nhóm 2 vẫn có thể được cân nhắc, với điều kiện chúng tạo ra dòng tiền cho bạn trong tương lai.
Dưới đây là một ví dụ:
Là một tín đồ công nghệ, Long muốn sắm chiếc laptop mới trị giá 30 triệu đồng. Ngoài thỏa mãn nhu cầu riêng, cậu biết mình có thể tạo thêm nguồn thu “tay trái” nhờ thiết kế đồ họa, dựng video freelance/part time cho một số đơn vị quen biết từ trước.
Đồng thời, Long đo lường tốt khả năng kiếm tiền và chi tiêu của mình, hiểu rõ có thể đảm bảo hoàn thành khoản góp trong tối đa 6 tháng. Như vậy, Long là đối tượng phù hợp để mua sắm trả góp.
Ai nên mua sắm trả góp?
Thực tế, ai cũng có quyền mua trả góp, miễn họ có nhu cầu và đảm bảo đóng phí theo quy định của bên cung cấp.
Tuy nhiên, hãy hiểu rằng hình thức này chỉ thực sự phù hợp với nhóm biết đo lường chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, để quá trình trả góp được thuận lợi, bạn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Hãy luôn kiểm tra mình đã tiết kiệm tối thiểu 10%/tháng hay chưa. Nếu chỉ dành dụm được khoảng 5%, bạn đã sống quá khả năng tài chính của mình. Lúc này, những món đồ công nghệ mơ ước bắt buộc phải vào danh sách chờ. Duy trì kỷ luật trong dành dụm sẽ giúp quá trình trả góp của bạn diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng. Các chi tiêu mua trước trả sau này không nên quá 30% tổng dòng thu nhập tháng của mình, và nên được trả tự động dứt điểm càng sớm càng tốt.
Ngược lại, bạn dễ dàng rơi vào cảnh “vung tay quá trán”, hoặc mua được rồi vẫn không cảm thấy đủ, phát sinh nợ xấu và rơi vào danh sách đen của các ngân hàng, công ty tài chính. Mặt khác, cuộc sống của chúng ta cũng khó thoải mái, bình yên nếu cứ phải lo lắng về những khoản tiền mãi chưa trả hết.
Ngoài ra, hãy nâng tầm bản thân, quan tâm nhiều hơn đến 5 nội dung sau: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo toàn vốn. Đây là các yếu tố có quan hệ mật thiết, cần được quan tâm cùng lúc nếu cá nhân muốn đảm bảo tiêu dùng thông minh.
Cuối cùng, mong bạn sẽ luôn chi tiêu khôn ngoan, thay vì để nợ tín dụng hay nợ trả góp. Nhìn chung, mua hàng trả góp không xấu. Nhưng dẫu thế nào, điều quan trọng nhất bạn bắt buộc phải biết là phải tự cân nhắc và điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình sao cho phù hợp, để tránh rơi vào cảnh tiêu hết tiền tiết kiệm. Thậm chí, nợ chồng chất vì tiêu xài hoang phí.
Chúc bạn luôn biết cách cân nhắc khả năng, đảm bảo chi trả đúng hạn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của chính mình!
Nguồn: phunuvietnam.vn